Làm sao để học sinh yêu môn Văn hơn?

Thứ hai - 21/07/2025 23:28
Ngữ văn không chỉ là môn học, mà là hành trình giúp học sinh hiểu mình, hiểu người và sống có chiều sâu, hướng đến nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách, bồi đắp năng lực cảm thụ và tư duy phản biện cho các em học sinh. Làm sao để học sinh hôm nay đến với môn Ngữ văn bằng sự yêu thích thật sự, chứ không chỉ vì áp lực thi cử?
Tạo điều kiện cho thanh thiếu niên được tiếp xúc, cảm nhận, chia sẻ về các tác phẩm văn học là việc làm thiết thực để vun đắp vốn ngôn ngữ, văn hóa và tâm hồn thế hệ trẻ.
Tạo điều kiện cho thanh thiếu niên được tiếp xúc, cảm nhận, chia sẻ về các tác phẩm văn học là việc làm thiết thực để vun đắp vốn ngôn ngữ, văn hóa và tâm hồn thế hệ trẻ.

Việc khiến học sinh đến với văn chương bằng sự tự nguyện là một thử thách lớn. Nhiều thầy cô giáo, đồng thời là những người sáng tác, phê bình đã đề xuất và chia sẻ những cách dạy-học thú vị, “biến” giờ Văn thành sân chơi sáng tạo, nơi các em được thể hiện chính mình.

Cô Đào An Duyênnhà thơ, giáo viên Trường THCS Trần Phú, phường Hội Phú, tỉnh Gia Lai:

131.jpg

“Mỗi giáo viên phải tự đổi mới trước”

Tôi nghĩ rằng, với môn Ngữ văn thì cảm hứng chính là thứ quan trọng nhất quyết định đến thái độ đối với môn học. Một người giáo viên thành công là người khơi nguồn được cảm hứng văn chương cho học trò.

Muốn thay đổi nhận thức của xã hội về môn Văn, cần rất nhiều yếu tố, trong đó người giáo viên phải thay đổi trước hết. Thay đổi tư duy, thay đổi phương pháp giảng dạy, thay đổi cả cách ra đề và chấm, chữa bài cho học sinh. Mỗi thầy, cô giáo hãy mạnh dạn chấp nhận những cách diễn đạt, những cá tính sáng tạo để học sinh có cơ hội được bộc lộ năng lực thật sự của mình, không theo những đáp án rập khuôn máy móc. Thay vì áp đặt suy nghĩ và cách cảm, cách hiểu của mình, hãy cung cấp cho các em kiến thức nền và định hướng những chuẩn giá trị, hướng dẫn cho các em phương pháp học tập phù hợp. Bồi đắp cho các em vốn từ, cách diễn đạt ở cả phương diện nói và viết, khơi gợi để các em tự trình bày được các vấn đề của mình.

Cô Hà Thị Vinh Tâmnhà thơ, nhà phê bình, giáo viên Trường THPT Cửa Lò, phường Cửa Lò, tỉnh Nghệ An:

132.jpg

“Đưa trang sách đến gần với đời sống”

Để học sinh yêu môn Văn, theo tôi, người thầy phải sống “có văn”, dạy bằng cảm hứng và chạm đến đời sống thật của học trò chứ không chỉ truyền đạt kiến thức về Văn. Người thầy giúp trang sách đến gần với đời sống. Tôi thường bắt đầu tiết học bằng một câu chuyện thực tế (một câu nói trong bữa cơm, một lần giận dỗi trong tình bạn, hay sự loay hoay khi đứng trước áp lực thi cử...), một bộ phim, một bài hát, một đoạn tin tức thời sự… rồi dẫn dắt học trò tìm sự tương đồng giữa văn chương và chính cuộc sống chung quanh các em. Những tình huống rất đời ấy chính là chất liệu để học trò thấy ý nghĩa của môn Văn. Tôi còn khuyến khích các em tranh luận về tác phẩm, đặt câu hỏi phản biện, bày tỏ quan điểm của mình, thậm chí cả quan điểm khác với sách giáo khoa, miễn sao lập luận có căn cứ và thái độ cầu thị. Khi hiểu điều đó, các em sẽ thật sự trả lời được câu hỏi quan trọng nhất: Tại sao em học môn Ngữ văn?

Thứ hai, tôi thiết kế tiết dạy Văn như một hành trình khám phá bản thân qua việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm như sân khấu hóa tác phẩm, làm video phân tích nhân vật, thiết kế poster, viết thư cho nhân vật. Học sinh của tôi được chọn viết về bà ngoại sau khi học bài “Chiếc thuyền ngoài xa” (Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu), được diễn vai Vũ Nương (Nhân vật trong truyện “Người thiếu phụ Nam Xương” của Nguyễn Dữ) với kết cục do chính các em sáng tạo lại, hoặc làm podcast “Nếu tôi là (nhà thơ) Quang Dũng”… Các hoạt động này khiến các em thấy rằng: văn chương là tiếng nói của mình, không phải của người khác.

Thứ ba, tôi cũng tích cực ứng dụng công nghệ và chỉ dẫn học sinh ứng dụng công nghệ thông tin vào môn học để tạo hứng thú cho các em. Tôi dạy các em rằng: một status hay, một caption sâu sắc cũng là văn học đấy thôi! Văn học không bao giờ lỗi thời. Nó chỉ đang chờ được đánh thức bằng một cách tiếp cận mới - gần hơn, thật hơn, và chạm tới cảm xúc của người học.

Thầy Nguyễn Trà, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Ngãi:

133.jpg

“Bồi đắp năng lực nghị luận xã hội cho học sinh”

Điều quan trọng nhất là cần dẫn dắt để học sinh đam mê và yêu thích môn học. Tôi nghĩ mỗi giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy, từ việc chủ động truyền thụ cho học sinh kiến thức sang việc khơi gợi niềm đam mê văn chương và truyền lửa cho các em. Bằng cách dìu dắt các em biết tự học, tự đọc, hướng dẫn, giới thiệu cho các em những tác phẩm văn học tiêu biểu, hoặc kể cho các em nghe những câu chuyện có tính gợi mở vấn đề.

Bên cạnh đó, khuyến khích học sinh đọc càng nhiều càng tốt nhằm giúp bồi đắp năng lực ngôn ngữ của các em. Tôi khuyến khích học sinh đọc sách bằng cách giới thiệu những cuốn sách mình tâm đắc, những cuốn sách truyền cảm hứng tích cực và có “cơ chế thưởng nóng” cho các em có thành tích đọc sách tốt bằng việc tặng sách cho học sinh khi các em đọc và giới thiệu được nội dung cuốn sách mình đọc trước tập thể.

Ngoài sách giáo khoa, chúng ta cần hướng dẫn, giúp các em trải nghiệm và thảo luận những vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề lớn, nóng đang diễn ra trong nước và quốc tế, để các em có góc nhìn, nhận định và biết phản biện theo chính kiến của mình, hình thành cho các em năng lực nghị luận sâu sắc với mỗi vấn đề xã hội đặt ra ở cả phương diện nói và viết.

Thầy Ngô Mậu Tìnhnhà văn, Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lâm Thủy, xã Lệ Thủy, tỉnh Quảng Trị:

134.jpg

“Truyền đạt thông điệp mở”

Trong thời đại 4.0, nhiều vấn đề văn học được các em khai thác trên mạng nên sự cảm thụ, tư duy văn chương của các em đứng trước thách thức mới. Thực tế cho thấy, không ít học sinh học Văn vì điểm số hơn là vì đam mê. Nhiều em thi THPT các tổ hợp khoa học tự nhiên hình như “bỏ” hoàn toàn môn Ngữ văn bởi lối tư duy viết kiểu gì cho đủ điểm đỗ tốt nghiệp.

Vì vậy, cần đổi mới cách dạy, cách đánh giá học sinh bằng việc không áp đặt khuôn mẫu, không chạy theo “văn mẫu” mà khuyến khích các em tự viết, tự cảm, tự liên hệ. Giáo viên cần mạnh dạn đưa thực tế đời sống vào mỗi tiết dạy, mỗi chủ đề ở kế hoạch dạy học. Việc đưa học sinh đi trải nghiệm, các buổi gặp gỡ các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, các buổi ra mắt sách của các hội viên hội văn học nghệ thuật ở địa phương sẽ giúp các em tiếp cận nhiều điều mới mẻ, tư duy đa chiều có lợi cho học sinh trong việc tiếp cận và giải quyết các đề mở trong giai đoạn hiện nay.

Riêng tôi, thường xuyên đem tác phẩm của bạn bè văn chương của mình giới thiệu với học sinh và làm cầu nối để các em đến với các tác phẩm văn chương ngoài sách giáo khoa.

Cô Tạ Thị Thanh Hảinhà văn, giáo viên Trường THCS Yên Phú, xã Việt Yên, tỉnh Hưng Yên:

135.jpg

“Hãy để đề thi bồi đắp tư tưởng, tình cảm cho học sinh”

Việc tạo ra một đề thi hay và đúng không chỉ bảo đảm các mục tiêu giáo dục mà còn tạo ra tâm thế cho thí sinh trong những kỳ thi lớn, kéo dài. Là một giáo viên đã có hơn 20 năm công tác, theo tôi đề thi Ngữ văn cần bảo đảm được các yêu cầu cơ bản sau:

Ở phần Đọc hiểu: Ngữ liệu được chọn cần bảo đảm tính thẩm mỹ. Nên chọn ngữ liệu có dung lượng vừa phải, trích dẫn những đoạn văn tiêu biểu, biểu đạt tương đối trọn vẹn chủ đề tác phẩm. Điều đó giúp thí sinh có tâm thế nhẹ nhàng, hào hứng, có đủ thời gian đọc và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của ngữ liệu, tránh được trạng thái “ngộp”, “sốc” khi cầm trên tay một đề thi có hai mặt giấy chi chít chữ. Việc lựa chọn ngữ liệu còn phải khoa học, chính xác, định hướng rõ ràng, tránh gây suy diễn, hiểu lầm không đáng có. Các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu cần ngắn gọn, súc tích, để học sinh vận dụng được những kiến thức nền tảng đã học trả lời đúng và đủ. Các câu hỏi vận dụng cần linh hoạt, khơi gợi sự thấu hiểu khả năng diễn đạt của học sinh.

Với phần Viết: Đề thi cũng cần hướng tới việc bồi đắp tư tưởng tình cảm nhân văn, gần gũi. Bởi thí sinh vẫn là những bạn trẻ có tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, chưa va vấp nhiều với thực tế. Ngoài ra, nên đưa ra các câu hỏi phù hợp, có mối quan hệ hữu cơ với ngữ liệu đã cho ở phần Đọc hiểu. Như vậy học sinh dễ định hướng cho bài làm của mình bởi có sự “nương tựa” cả về tri thức lẫn tâm lý.

Đề thi khoa học và thẩm mỹ, có định hướng nhân văn. Đó cũng chính là thiên chức cao cả của văn chương.

Nguồn bài: Làm sao để học sinh yêu môn Văn hơn?

Tác giả: Hoàng Hoa (thực hiện)

Nguồn tin: Thời Nay (Ấn phẩm của Báo Nhân Dân)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây