Rộng hơn, là vấn đề vẫn chưa mất tính thời sự: Cần phải coi trọng môn Ngữ văn, lĩnh vực văn học như thế nào trong nhà trường? Làm thế nào để môn Văn cuốn hút hơn trong con mắt học sinh? Phải làm gì để ngành đào tạo văn học thu hút được người trẻ… Qua chuyên đề này, hy vọng những ý kiến từ đội ngũ trực tiếp giảng dạy có thể gợi mở đôi điều cho những mong đợi trên.
Nhìn sâu hơn vào xu thế đào tạo cũng như chuyển động nghề nghiệp hiện nay, có thể thấy ngành đào tạo về lĩnh vực Văn học đang âm thầm mở ra “một bản đồ cơ hội” mới - nơi những người biết viết, biết kể chuyện, có chiều sâu văn hóa và khả năng sáng tạo ngôn ngữ được đánh giá cao trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế tri thức và công nghiệp văn hóa.
Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ trong những năm gần đây khiến không ít người đặt câu hỏi: học Văn để làm gì? Tỷ lệ thí sinh chọn ngành Văn học, Nhân văn tại các kỳ tuyển sinh đại học có xu hướng giảm, trong khi những ngành học mang tính thực hành cao, dễ xin việc nhanh chóng “lên ngôi”. Trong bối cảnh đó, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực Văn học đứng trước yêu cầu phải tự làm mới mình, tìm kiếm hướng đi phù hợp với xã hội hiện đại.
Đào tạo chuyên sâu, mở rộng liên ngành
Tại Trường đại học (ĐH) Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Khoa Văn học đang từng bước thay đổi để phù hợp xu thế mới. “Lấy nền tảng là hàn lâm, lấy hiện đại là xu thế”, triết lý ấy đang giúp chương trình đào tạo mở rộng sang ứng dụng, liên ngành. Những học phần truyền thống như lý luận, lịch sử văn học... được làm mới và kết nối với các môn học về văn hóa đại chúng, phê bình nghệ thuật, chuyển thể văn học - điện ảnh, biên kịch…
Một dấu hiệu “mở” là sự ra đời của chương trình đào tạo Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng. Sinh viên được học lý thuyết điện ảnh, viết kịch bản, thực hành quay dựng, tổ chức sự kiện trong không gian sáng tạo ngay tại trường. “Không lặp lại những chương trình đào tạo liên quan đến điện ảnh hay nghệ thuật đã có mà mở ra một hướng đi mới, bổ sung nguồn nhân lực cho những khoảng trống khi đang tập trung khai thác nội lực về văn hóa để xây dựng công nghiệp văn hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước”, PGS, TS Nguyễn Thu Hiền, Trưởng khoa Văn học chia sẻ.
Cùng tinh thần đó, Khoa Viết văn, Báo chí (Trường ĐH Văn Hóa Hà Nội) cũng chú trọng xây dựng môi trường đào tạo mang tính mở. Trong đó, với ngành Sáng tác văn học (STVH) vốn có vai trò đặc thù, theo TS Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa, đang hướng tới mục tiêu đào tạo những người viết chuyên nghiệp và có khả năng tương tác đa ngành, linh hoạt giữa STVH và các lĩnh vực báo chí, truyền thông, xuất bản, biên tập. Được biết, chương trình này đã được tinh gọn, tăng tính thực hành với các học phần viết sáng tạo, viết ứng dụng, biên tập - truyền thông. Hình thức tuyển sinh cũng mở rộng, bên cạnh thi tuyển còn có việc tìm kiếm tài năng từ các trường đại học trên cả nước với nguồn hỗ trợ từ đề án phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn học của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo các chuyên gia, đào tạo người học hôm nay không chỉ bó hẹp trong giảng đường mà mở rộng ra không gian sống, không gian nghề nghiệp. Tại một số cơ sở đào tạo, sinh viên ngành Văn đang được tạo điều kiện tham gia các mô hình trải nghiệm như CLB Điện ảnh, CLB Folklore, Đêm kịch khoa Văn… Ngoài ra còn có các buổi tọa đàm với nhà văn, nhà nghiên cứu, đi thực tập tại các báo, nhà xuất bản, đơn vị truyền thông... cùng nhiều cơ hội học bổng, du học, tham gia dự án quốc tế.
Có thể thấy, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và khuyến khích sáng tạo nội dung đang mở ra cơ hội lớn cho các ngành học về Văn học, Hán Nôm, Viết văn… Câu hỏi quan trọng hiện nay không chỉ là “Học Văn để làm gì?” mà còn “Học Văn như thế nào để có thể tạo ra giá trị?”.
Sau hơn một năm ra trường, chị Trần Thùy Dung, cựu sinh viên Khoa Văn học bộc bạch: “Ngoài kiến thức chuyên môn, cần có thêm kỹ năng mềm như giao tiếp hiệu quả, soạn thảo văn bản... Đặc biệt là ngoại ngữ để tăng cơ hội nghề nghiệp”.
Bản đồ nghề nghiệp mới
Từng có thời gian, với năng khiếu, niềm đam mê và một lượng tri thức văn học nhất định, sau khi ra trường, sinh viên không dễ và không sớm tìm được việc làm. Nhưng hiện nay, các ngành Văn học và STVH đang cho thấy một “bản đồ nghề nghiệp” mới được định hình với nhiều vị trí năng động trong xã hội. Từ những nhóm nghề “truyền thống” như: dạy phổ thông, giảng dạy ĐH, cao đẳng, biên tập sách, nghiên cứu, sáng tác văn chương (tất nhiên để theo được nghiên cứu và sáng tác thì chỉ số lượng không nhiều)... đến nhóm ngành “hiện đại” hơn: viết kịch bản, sản xuất nội dung, viết sáng tạo, lên kịch bản cho các hoạt động truyền thông, các chương trình, sự kiện…
Quan sát và đánh giá kết quả đào tạo qua nhiều năm, theo TS Đỗ Thị Thu Thủy, điểm nổi trội của sinh viên ngành sáng tác chính là khả năng kể chuyện theo cách riêng, giàu sáng tạo và cá nhân hóa. “Đây là điều rất cần thiết trong môi trường truyền thông hiện nay, đòi hỏi nội dung chất lượng và khác biệt”, cô Thủy chia sẻ. Thực tế, người học Văn không chỉ đang làm mới bản thân mà còn góp phần tái tạo và định hình lại những giá trị văn hóa đương đại thông qua vai trò của mình trong truyền thông, nghệ thuật, xuất bản, thẩm định và phê bình.
Tại Khoa Văn học, với quan điểm “Kiến thức cơ bản - Tư duy độc lập - Chủ động thích nghi” các nhà quản lý và giảng viên đang hướng tới thế hệ người học năng động, hội nhập, kiến thức nền tảng vững vàng. Trong đó, ngành Hán Nôm lâu nay tưởng như “kén người học” cũng có sự chuyển dịch đáng kể. Với tính chất liên ngành và khả năng kết nối giữa văn hóa cổ với ngôn ngữ hiện đại, nhiều sinh viên Hán Nôm sau khi tốt nghiệp đã làm việc tại các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bảo tàng, di tích, đơn vị du lịch, dịch thuật, biên tập nội dung văn hóa truyền thống cho hoạt động truyền thông đại chúng… Bên cạnh đó, PGS, TS Nguyễn Thu Hiền chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng duy trì mạng lưới cựu sinh viên như một cầu nối nghề nghiệp cho sinh viên hiện tại. Các bạn được giới thiệu đến thực tập tại những nơi uy tín như Báo Nhân Dân, VOV, NXB Phụ nữ, NXB Văn học, báo Thiếu niên Tiền phong... để sớm làm quen với công việc thực tế”.
Nguồn bài: Nâng cấp đào tạo để không chậm chânTác giả: Hương Giang, Mỹ Hảo
Nguồn tin: Thời Nay (Ấn phẩm của Báo Nhân Dân)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn